Liên hệ

Hệ Thống Xử Lý Nước Thải Công Nghiệp: Giải Pháp Toàn Diện

Hệ Thống Xử Lý Nước Thải Công Nghiệp: Giải Pháp Toàn Diện

Với hệ thống xử lý nước thải tiên tiến của Toàn Á, doanh nghiệp của bạn không chỉ thể hiện trách nhiệm với môi trường mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí đáng kể. Hãy cùng chúng tôi khám phá giải pháp toàn diện cho bài toán xử lý nước thải, mang đến một tương lai xanh và bền vững cho thế hệ mai sau.

Nội dung bài viết

    I. Các Phương Pháp Xử Lý Nước Thải Công Nghiệp Phổ Biến Hiện Nay

    Hệ thống xử lý nước thải MCNEX

    Với sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp hiện nay thì việc xử lý nước thải cũng yêu cầu các công nghệ đa dạng để phù hợp với chất lượng và các loại nước thải khác nhau. Một số công nghệ xử lý nước thải công nghiệp phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

    1. Phương pháp hóa học

    Phương pháp này áp dụng bằng cách dùng các hóa chất để tạo ra các phản ứng hóa học nhằm loại bỏ hoặc chuyển đổi các chất ô nhiễm trong nước thải thành các dạng ít độc hại hơn. Phương pháp này bao gồm các biện pháp: keo tụ, kết tủa, trung hòa, oxy hóa khử.

    Ưu điểm của phương pháp này là mang lại hiệu quả cao trong việc loại bỏ kim loại nặng, chất hữu cơ, và các chất ô nhiễm hòa tan và có thể tùy chỉnh để xử lý các loại nước thải cụ thể. Tuy nhiên, chi phí hóa chất và vận hành lại khá cao, đồng thời doanh nghiệp áp dụng cũng cần phải quản lý chất thải sinh ra từ quá trình xử lý như bùn, khí thải.

    Xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học thường được ứng dụng trong các ngành công nghiệp sản xuất hóa chất, mạ điện, dệt nhuộm, và ngành công nghiệp thực phẩm.

    2. Phương pháp sinh học

    Là phương pháp sử dụng vi sinh vật để phân hủy các chất hữu cơ có trong nước thải. Phương pháp này được chia thành 2 loại: Xử lý kỵ khí (không có oxy) và hiếu khí (có oxy).

    Xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp sinh học có hiệu quả cao trong việc loại bỏ các chất hữu cơ và chất dinh dưỡng (như nitơ, photpho), giúp tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm là quá trình xử lý thường kéo dài và phụ thuộc vào điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ pH đồng thời nếu áp dụng phương pháp này, doanh nghiệp cũng cần kiểm soát tốt quá trình để tránh sự cố hệ thống.

    Phương pháp này thường được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống, sản xuất giấy, và xử lý nước thải sinh hoạt.

    3. Phương pháp cơ học

    Xử lý nước thải bằng phương pháp cơ học là dùng các thiết bị như lưới chắn, bể lắng, bể lọc để loại bỏ các hạt rắn lơ lửng và tạp chất có kích thước lớn. Đây cũng thường là bước đầu tiên trong quy trình xử lý nước thải để giảm tải lượng ô nhiễm trước khi nước thải được xử lý tiếp bằng các phương pháp khác.

    Ưu điểm của phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp, có hiệu quả cao trong việc loại bỏ chất rắn lớn và tạp chất. Tuy nhiên phương pháp này lại không thể xử lý được các chất ô nhiễm hòa tan hoặc chất hữu cơ. Để xử lý được các chất này thì doanh nghiệp lại cần phải kết hợp với các phương pháp khác. Do đó, xử lý nước thải công nghiệp bằng phương pháp cơ học thường được ứng dụng trong các ngành công nghiệp có lượng tạp chất rắn lớn như dệt may, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm.

    4. Phương pháp màng lọc

    Màng lọc nước thải

    Là phương pháp sử dụng các màng lọc như RO, UF, MF để loại bỏ các hạt rắn, vi khuẩn, virus, và các chất hòa tan từ nước thải. Ưu điểm của phương pháp này là có thể kết hợp với các phương pháp khác để xử lý nước thải phức tạp, mang lại hiệu quả cao trong việc loại bỏ chất ô nhiễm với kích thước nhỏ mà không cần sử dụng hóa chất và đặc biệt là có thể tái sử dụng nước sau khi lọc.

    Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nhược điểm là đòi hỏi chi phí đầu tư và vận hành cao, đồng thời cũng cần phải bảo dưỡng thường xuyên để duy trì hiệu quả của màng lọc.

    Xử lý nước thải bằng phương pháp màng lọc phù hợp với những ngành công nghiệp yêu cầu nước tái sử dụng chất lượng cao như sản xuất điện tử, dược phẩm và thực phẩm.

    II. Quy Trình Hệ Thống Xử Lý Nước Thải Công Nghiệp Tiên Tiến Từ Toàn Á JSC

    Với 21 năm kinh nghiệm trong ngành xử lý nước và đã thi công, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cho hàng nghìn công trình, dự án lớn nhỏ, thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên toàn quốc và dựa trên những ưu – nhược điểm của từng phương pháp, TOÀN Á JSC đã cho ra đời một quy trình xử lý nước thải công nghiệp với những công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao, được áp dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực hiện nay.

    Quy trình xử lý nước thải của Toàn Á

    Chi tiết quy trình hệ thống xử lý nước thải công nghiệp bao gồm:

    1. Song chắn rác

    Là bước đầu tiên trong hệ thống, được lắp đặt tại vị trí đầu vào của nước thải nhằm loại bỏ các vật thể lớn khỏi nước thải để bảo vệ các thiết bị và quá trình xử lý phía sau khỏi hư hại và tắc nghẽn, giúp duy trì hiệu suất của hệ thống. Song chắn rác thường là các lưới hoặc tấm chắn có các khe hở để lọc bỏ các vật thể lớn như rác, cành cây, bao bì, vải vụn.

    Các thiết bị giúp đo nồng độ pH, SS trong nước thải cũng được gắn tại khu vực này để nắm bắt được đặc tính của nguồn nước và có phương pháp xử lý hiệu quả nhất.

    2. Bể thu gom (Hầm bơm)

    Bể thu gom được xây dựng theo mô hình âm bên dưới để thu gom lượng nước thải từ nhà máy đồng thời bơm nước thải lên hệ thống phía sau nhờ các máy bơm được gắn tại bể. Tại bể thu gom cũng gắn đồng hồ đo lưu lượng nước thải đầu vào. Bể này còn có thể lắng và loại bỏ các chất cặn có trong nước thải.

    3. Song chắn rác tinh

    Với kích thước lỗ lọc nhỏ hơn nhiều so với song chắn rác thô, song chắn rác tinh giúp loại bỏ các loại rác có kích thước từ 0,75mm trở lên, sau đó nước thải mới đi đến các bộ phận phía sau, giúp giảm tải áp lực cho hệ thống xử lý phía sau này.

    4. Bể tách dầu mỡ

    Do khối lượng riêng của dầu mỡ nhẹ hơn nước nên chúng sẽ nổi lên trên mặt nước thải. Hệ thống máng gạt tại bể sẽ gạt và thu gom dầu mỡ về bể chứa dầu và đưa đến các công ty chuyên xử lý. Lượng nước thải còn lại sẽ tiếp tục được đưa đến bộ phận tiếp theo của hệ thống là bể điều hòa.

    5. Bể điều hòa

    Là nơi nước thải được trộn đều nhờ hệ thống máy trộn để ổn định lưu lượng và nồng độ ô nhiễm, tránh các biến động đột ngột, giúp các quá trình xử lý sau hoạt động hiệu quả hơn đồng thời ổn định nồng độ pH trong nước thải.

    6. Bể Aerotank

    Là một trong những thành phần quan trọng trong hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, đặc biệt là trong quá trình xử lý sinh học hiếu khí.

    Bể thường có dạng chữ nhật hoặc tròn, với hệ thống sục khí hoặc hệ thống phân phối không khí để cung cấp oxy cho vi sinh vật.

    Chức năng chính của bể Aerotank là phân hủy các chất hữu cơ hòa tan trong nước thải thông qua hoạt động của vi sinh vật hiếu khí. Quá trình này giúp giảm BOD (Biochemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy sinh hóa) và COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học) của nước thải. Bể Aerotank còn giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng như nitơ và phốt pho thông qua quá trình nitrat hóa và photphat hóa, giúp ngăn ngừa hiện tượng phú dưỡng trong nguồn nước tự nhiên.

    7. Bể lắng sinh học

    Là nơi lắng các tế bào vi sinh vật chết và bùn hoạt tính sau khi xử lý sinh học, giúp nước thải sau xử lý trở nên trong sạch hơn. Phần bùn lắng phía dưới sẽ được chuyển tới bể chứa bùn để xử lý. Một phần sẽ cho tuần hoàn lại bể Aerotank để đảm bảo lưu lượng và nồng độ ổn định cho các vi sinh vật hoạt động. Phần nước trong sẽ được chuyển sang bể trung gian.

    8. Bể trung gian và khử trùng

    Bể trung gian có chức năng chính là để ổn định lưu lượng và nồng độ nước thải trước khi chuyển sang bể khử trùng.

    Tại bể khử trùng, nước thải sẽ được khử trùng bằng các chất khử trùng như clorua, ozone hoặc tia UV để tiêu diệt vi khuẩn, virus và các vi sinh vật gây bệnh trong nước thải, đảm bảo an toàn cho nguồn nước thải trước khi xả ra môi trường.

    9. Hệ thống xử lý bùn và cặn

    Hệ thống xử lý bùn bao gồm các quy trình như nén, ủ, và sấy bùn để giảm khối lượng và độ ẩm của bùn thải, biến nó thành các dạng dễ xử lý hoặc tái sử dụng.

    Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và đảm bảo tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về xả thải. Với các giai đoạn xử lý từ cơ học, hóa học đến sinh học, mỗi hệ thống đều phải được thiết kế và vận hành sao cho phù hợp với đặc điểm nước thải của từng ngành công nghiệp. Để đảm bảo hiệu quả và độ bền của hệ thống, việc lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu và thiết kế thi công là yếu tố tiên quyết. Công ty Cổ phần Công Nghệ và Môi trường Toàn Á với 21 năm kinh nghiệm và uy tín trên thị trường, tự hào là đối tác tin cậy trong việc cung cấp các giải pháp xử lý nước thải toàn diện, từ thiết kế đến thi công và cung cấp vật liệu chất lượng cao. Để biết thêm chi tiết về các dịch vụ và giải pháp của chúng tôi, vui lòng liên hệ:

    0913.543.469

    Dự án xử lý nước thải